Loại quả xưa không ai ngó ngàng, giờ thành đặc sản giải nhiệt có hương vị lạ, dân thành phố "ưa chuộng"

Google News

Nếu nhìn thoáng qua, chắc hẳn nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là quả cam. Thứ quả rừng này mấy năm gần đây "lên đời" thành món đặc sản có hương vị lạ được nhiều du khách yêu thích. 

Vùng đất Quảng Ngãi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại cây quả độc đáo, mọc hoang dại nhưng hương vị lại vô cùng đặc biệt, trong đó phải kể tới trái hường.

Cây hường mọc tự nhiên trong rừng, nhiều nhất ở thon Gỗ, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà. Nhìn bề ngoài, trái hướng rất giống với quả cam ở đồng bằng nên nhiều người nhầm lẫn. 

Theo tìm hiểu, cây hường rừng trưởng thành cao từ 2-6m, với số lượng hàng trăm trái/vụ. Thông thường khoảng 3- 4 năm, cây hường sẽ ra trái đầu tiên, mỗi đời cây sẽ có tuổi thọ trung bình từ 15-25 năm.

Hàng năm, cây hường ra hoa, kết trái vào tầm tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, đến tháng 7, tháng 8 âm là mùa thu hoạch. Trái hương lúc chưa chín có màu xanh, vị chua đặc trưng, còn khi chín có màu vàng, chuyển sang vị ngọt. 

Người dân địa phương cho biết trái hường không ngọt lịm như một số giống cam trồng dưới xuôi nhưng lại có mùi rất thơm, khi vắt nước uống có vị ngọt nhẹ, thanh, mát, dễ chịu nên ai thử một lần sẽ mê mẩn cái mùi vị của loại quả rừng này. 

Nhớ lại ngày còn bé, bạn Hoàng Anh (quê ở Tây Trà, Quảng Ngãi, hiện đang sống tại Đà Nẵng) chia sẻ: "Hồi còn đi học, mình và lũ trẻ con trong xóm rủ nhau vào rừng hái đủ thứ quả dại như dủ dẻ, chòi mòi rồi trái hường xanh chấm với muối ớt như một thức quà vặt. Thân cây hường không quá cao, nên chỉ cần nhón chân là có thể hái quả. Sau mỗi giờ tan học, cả đám bạn tranh nhau hái những quả hường đã chín, để chia nhau nhấm nháp cái vị chua chua, ngọt ngọt của nó.

Quả này muốn ngon hơn, vị ngọt hơn thì phải ăn kèm với vài hạt muối sống. Còn bây giờ trái hường đã trở thành thứ quả đặc sản hấp dẫn du khách, nhiều người còn mang cây hường về trồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Trên các tuyến đường ở Tây Trà, trái hường được người dân bày bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Khách du lịch đi qua đây đều ghé vào các điểm bán trái hường ở ven đường, mua vài chục trái mang về làm quà cho người thân, bạn bè.

Những năm gần đây, cứ đến mùa trái hường chín rộ, chị Deo (ở Tây Trà) và bà con trong làng lại rủ nhau đi hái trái hường để bán cho thương lái hoặc bày bán tại các tuyến đường. Chị Deo tiết lộ: "Mỗi ngày đi hái cũng được từ 100-150 trái. Nhiều khi gặp nơi hường mọc nhiều, thì số lượng thu hoạch được lên đến 200-300 trái/người. Ngoài việc vào rừng thu lượm, hái quả mọc hoang, bà con còn trồng hường đề bán. Gia đình trồng ít thì khoảng 5 – 10 cây, nhà nào nhiều có thể trồng tới vài chục cây. Cứ đến mùa thu hoạch, mỗi hộ cũng kiếm được một khoản kha khá".

Hường sau khi thu hoạch có thể để dài ngày vẫn không bị hư hỏng nhờ đặc điểm ít nước. Trái hường chín hái trên cây xuống, người ta dùng bàn tay vo nhẹ trái cho mềm rồi bóc lớp vỏ ra và thưởng thức. Trái chín có thể vắt nước vào ly khuấy chung với đường như chanh, dùng lạnh như một món giải khát.

H.A